Những lưu ý khi thiết kế giếng trời đón nắng gió hiệu quả mà không bị mưa tạt.

Hiện nay, giếng trời là giải pháp kiến trúc quen thuộc và hiệu quả nhằm tạo sự thông thoáng, bổ sung đầy đủ ánh sáng, gió cho toàn bộ căn nhà của bạn. Đặc biệt với những căn nhà phố nhỏ hẹp, giếng trời càng có vai trò quan trọng hơn hết. Tuy nhiên, để có được một thiết kế hợp lý vừa đảm bảo tính hiệu quả trong công năng sử dụng, vừa có được giá trị thẩm mỹ và hạn chế các vấn đề phát sinh thì không phải ai cũng nắm được. Chính vì vậy, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ với các bạn một số lưu ý cần thiết khi bố trí giếng trời sao cho hợp lý nhất

1. Xác định vị trí đặt giếng trời hợp lý

Tùy vào diện tích, chiều dài ngôi nhà mà bố trí giếng trời ở giữa hoặc cuối nhà. Đôi khi phải kết hợp cả hai trong trường hợp nhà quá dài. Việc phân bổ vị trí giếng trời phải hợp lý, cốt sao cho ánh sáng tràn vào nhà chan hòa mà không quá tập trung ở một nơi, còn nơi khác lại thiếu. Mặt khác, việc chọn vị trí còn tùy thuộc vào hướng gió của khu vực.

Việc khai thác các không gian xung quanh giếng trời sao cho hiệu quả cũng là vấn đề, thông thường nên mở cửa sổ rộng tối đa có thể, theo cả hai phương ở khu vực này.

2. Lên biện pháp chống dột, chống mưa tạt qua giếng trời.

Bạn cần tính đến việc lợp mái lấy sáng sao cho hợp lý, đặc biệt là sử dụng vật liệu phù hợp như kính cường lực an toàn 2 lớp.

Thông thường, các vật liệu như tấm lợp polycarbonat, kính cường lực không thể liên kết bền vững với xi măng, bê tông. Do vậy cần phải thông qua lớp trung gian là thép. Khoảng vượt của mái lợp cũng phải hợp lý để tránh mưa tạt trực tiếp vào giếng trời. Để vừa đảm bảo thông gió, vừa để mưa không tạt vào rất cần sự thiết kế chỉnh chu và thi công đúng kỹ thuật, nếu không công trình sẽ không bền vững được.

Các khung thép bảo vệ kẻ gian đột nhập vào nhà cũng phải được thiết kế bảo đảm kỹ thuật và mỹ thuật. Hiện nay có rất nhiều tấm bảo vệ được thiết kế có hoa văn đẹp mắt, vừa để trang trí lại đảm bảo an toàn, an ninh.

3. Thiết kế hệ thống thoát nước sàn

Nếu bạn muốn tận dụng giếng trời cho hệ thống cây xanh bên dưới , tạo không gian gần gũi với thiên nhiên thì cần phải thiết kế hệ thống thoát nước sàn hợp lý, để tránh xảy ra trường hợp ứ đọng, ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt.

Do đó, việc xây dựng một hệ thống thoát nước là rất cần thiết hoặc mái che tại cổng giếng trời để hạn chế những điều kiện tự nhiên trong thời tiết mưa hoặc nắng quá nhiều.

4. Độ phẳng của giếng trời

Bản chất của giếng trời là một cái ống, vì vậy âm thanh truyền trong giếng trời rất vang và rõ. Đó cũng là lý do nếu bạn đứng nói chuyện ở tầng dưới thì người ở tầng trên sẽ nghe thấy, điều này làm mất đi sự riêng tư cũng như ảnh hưởng đến phong thủy ngôi nhà.

Theo đó, để giảm thiểu tình trạng này, các mặt tường trong của giếng trời không nên làm phẳng, trơn tất cả. Cần có một số mảng nhám như dùng sơn gai, ốp đá tự nhiên, gạch thẻ, gạch tần để tiêu âm thanh.